Hôm nay ngày 17/02/2021, nhằm ngày mùng 6 tết Tân Sửu, ngày đầu đi
làm lại, thời gian còn thư thả, tôi lần mò tìm đọc bài thơ trên núi Bài Thơ quê
tôi.
Trên mạng có thể dễ dàng tìm thấy nội dung đại ý viết về gốc gác
bài thờ: Mùa xuân năm Quang Thuận thứ 9, tức
tháng 2/1468, vua Lê Thánh Tông có chuyến duyệt quân và tuần giá An Bang. Nhân
chuyến duyệt quân này, đức vua đã sáng tác bài thơ và cho khắc trên vách núi
Truyền Đăng.
Tuy nhiên thời gian đã lâu, chữ trên vách đá bị hủy hoại nhiều, các sách có ghi chép lại hay các nhà nghiên cứu có sưu tầm vẫn còn nhiều khác biệt không thống nhất. Sưu tầm tản mát nhiều chỗ thấy có 2 ảnh và mấy chỗ phiên âm, tôi chép lại như sau:
Phần dẫn:
Quang Thuận cửu niên xuân, nhị nguyệt, dư
thân xuất lục sư duyệt vũ vu Bạch Đằng giang thượng. Thị nhật phong hòa, cảnh
lệ, hải bất dương ba, nãi phiếm Hoàng Hải tuần An Bang, trú lục sư vu Truyền Đăng
sơn hạ, ma thạch nhất luật vân:
Nguyên bản chép từ ảnh ra: 光順九年春,
二月, 余親率六師閱武于白滕江上. 是日風和景麗, 海不揚波,
乃泛黃海, 巡安邦, 駐六師于傳燈山下. 磨石一律云。
Ba chữ 余, 于 và 云 thấy hơi nghi ngờ vì dạng chữ Hán phồn thể khác trong ảnh
(có vẻ đây là dạng giản thể).
Phồn thể/ giản thể toàn bộ: 光順九年春, 二月,
餘親率六師閱武於白滕江上. 是日風和景麗, 海不揚波,
乃泛黃海, 巡安邦, 駐六師於傳燈山下.
磨石一律雲。(光顺九年春二月余亲率六师阅武于白滕江上是日风和景丽海不扬波乃泛黄海巡安邦驻六师于传灯山下磨石一律云。)
Dịch nghĩa: Tháng 2, mùa
xuân năm Quang Thuận thứ 9, trẫm (ta) thân dẫn sáu sư tập trận trên sông Bạch
Đằng. Những ngày đó, gió êm cảnh đẹp, biển không nổi sóng, bèn lướt thuyền qua
Hoàng Hải, tuần du An Bang, trú sáu sư dưới chân núi Truyền Đăng, mài vách đá,
tạc thơ rằng:
Phần thơ:
Bài thơ tôi đánh máy lại trong ảnh như sau:
御製天南洞主題
巨浸汪洋潮百川
亂山棊布碧連天
壯心初感咸三股
信手遙提巽二權
辰北樞機森虎旅
海東烽燧息狼煙
天南萬古河山在
正是修文偃武年
Giản thể:
御制天南洞主题
巨浸汪洋潮百川
乱山棊布碧连天
壮心初感咸三股
信手遥提巽二权
辰北枢机森虎旅
海东烽燧息狼烟
天南万古河山在
正是修文偃武年
Hai bản phiên âm tôi tìm được như sau:
Cự tẩm uông dương triều
bách xuyên
Loạn sơn kỳ bố bích liên thiên
Tráng tâm sơ cảm hàm tam cổ
Tín thủ giao đề tốn nhị quyền
Thần Bắc khu cơ sâm hổ lưc
Hải Đông phong toại tức lang yên
Thiên Nam vạn cổ hà sơn tại
Chính thị tu văn yển vũ niên
Và
Cự lãng uông uông triều bách xuyên
Quần sơn cơ bố bích liên thiên
Tráng tâm sơ cảm hàm tam
cổ
Tín thủ dao đề tốn nhị
quyền
Thần Bắc khu cơ sâm hổ lữ
Hải Đông phong toại tức
lang yên
Thiên nam vạn cổ hà sơn
tại
Chính thị tu văn yển vũ
niên
Hiển nhiên 2 bản phiên âm đều có những chỗ sai,
phiên âm đúng theo bản chữ Hán phải là:
Cự tẩm uông dương triều
bách xuyên
Loạn sơn kỳ bố bích liên thiên
Tráng tâm sơ cảm hàm tam cổ
Tín thủ giao đề tốn nhị quyền
Thần Bắc khu cơ sâm hổ lữ
Hải Đông phong toại tức lang yên
Thiên Nam vạn cổ hà sơn tại
Chính thị tu văn yển vũ niên
Bản dịch nghĩa tôi tìm được như sau:
Nước lớn mênh mông, trăm
sông chầu vào
Núi non la liệt, rải rác
như quân cờ, vách đá liền trời
Có tráng trí, nhưng lúc
mới dựng nghiệp vẫn theo người, như quẻ Hàm hào cửu tam (đã định)
Nay một tay mặc sức tung
hoành, quyền uy như thần gió
Phía bắc, bọn giặc giã
như hùm beo đã dẹp yên
Vùng biển phía Đông, khói
chiến tranh đã tắt
Muôn thuở trời Nam, non
sông bền vững
Bây giờ chính là lúc giảm
việc võ, tu sửa việc văn.
Bản dịch nghĩa trên, nhiều chỗ tôi không đồng ý,
tôi sẽ giải thích cụ thể bên dưới cùng với những chỗ sai khác giữa các bản chữ
hán và bản phiên âm. Bản phiên âm có những chỗ sai nhưng tôi thấy có nhiều ý
nghĩa thú vị nên để nguyên và nêu thêm ý kiến.
Hai câu đề khá đơn giản, tuân theo kiểu
thức phổ biến, dùng phong cảnh để mở đầu. Ở đây chỉ có mấy chỗ vụn vặt, có bản
phiên âm “cự lãng” và “quần sơn”, nếu thực là chữ “lãng” và “quần” thì cũng
không làm thay đổi đáng kể bản chất và ý nghĩa. Chữ 棊 cũng chính là chữ 棋 (kỳ), như quân cờ, nếu bị nhầm sang chữ 碁 cũng tương tự, cũng không làm thay đổi đáng kể bản chất và ý
nghĩa.
Nhưng tôi cảm giác chữ “tẩm” (đầm, sông, hồ lớn)
hay hơn, đi cùng với “uông hải” và “bách xuyên” chỉ cả vùng nước ngọt và vùng
nước mặn, vùng nước trong nội địa và vùng nước mở ra biển, vùng nước tĩnh và
động, có ý nghĩa khái quát, tập hợp hơn. Chữ “loạn” dùng với nghĩa “la liệt,
toán loạn” đối với cá nhân tôi hơi mang sắc thái tiêu cực, chữ “quần” có ý
nghĩa tích cực hơn. Chữ “kỳ”, tôi thích chữ 碁 hơn, do có bộ thạch, có sự tương đồng với núi non, chữ “sơn”
ở trước.
Hai câu thực có nội hàm phức tạp
nhất: Tráng tâm sơ cảm hàm tam cổ/ Tín thủ giao đề tốn nhị quyền.
Quẻ “hàm”, hay đầy đủ là “trạch sơn hàm”, là quẻ
31 trong kinh dịch, hào thứ 3 từ dưới lên: 九三: 咸其股, 執其隨, 往吝 (Cửu
tam: Hàm kì cổ, chấp kì tùy, vãng lận): cảm được tới đùi, chỉ
muốn theo người, cứ như vậy mà tíến thì xấu. Hào này ở trên cùng
nội quái, nên ví với bắp đùi. Nó là dương cương, ham tiến, muốn theo
hào 4 cũng dương cương ở trên nó; trong thời Hàm, nên tĩnh mà nó
động, lại động theo người nữa, đáng chê.
Quẻ “tốn” hay đầy đủ là “thuần tốn”, là quẻ 57
trong kinh dịch, hào thứ 2: 九二: 巽在床下, 用史巫 紛若, 吉,无咎 (Cửu
nhị: Tốn tại sàng hạ, dụng sử vu phân nhược, cát, vô cữu): Thuận
nép ở dưới giường, dùng vào việc lễ bái, đồng cốt rối ren thì
tốt, không có lỗi. Hào dương mà ở vào vị âm thời Tốn (thuận), nên
quá thuận đến nỗi nép ở dưới giường. May àm đắc trung, không phải
là kẻ siểm nịnh, mà lại có lòng thành; trong việc tế thần, mà như
vậy thì tốt, không có lỗi. “sử” là chức quan coi việc tế, “Vu” là
chức quan coi về việc trừ tai hoạ, như đồng cốt. “Phân nhược” (rối
ren) dùng để tả việc cúng tế, cầu thần.
Nhưng đừng quên là "tốn nhị quyền, quyền biến 權變". Nếu hào thứ 2 của quẻ tốn mà biến thì thành quẻ “Phong Sơn Tiệm” – quẻ số 53, hào thứ 2: 六二: 鴻漸于磐, 飲食衎衎, 吉 (Lục nhị: Hồng tiệm vu bàn, ẩm thực khản khản, cát). Hào 2 âm: Chim hồng tiến đến phiến đá lớn, ăn uống thảnh thơi, tốt. Hào này đắc trung, đắc chính, âm nhu mà ứng với hào 5 dương cương ở trên, nên tiến được một cách dễ dàng, tới đậu ở phiến đá lớn, vui vẻ, ung dung. Tiểu tượng truyện khuyên hào này được hào 5 giúp đỡ thì phải làm gì đáp lại, chứ đừng ăn không.
Liên quan đến quẻ dịch thì quá phức tạp. Có lẽ
không thể hiểu nổi nội hàm và dụng ý của tác giả. Phân tích kiểu đoán mò thì câu
đầu nói về tấm lòng hùng tâm tráng trí, tráng trí hùng tâm, “tráng tâm” và tình
cảm, cảm nhận ban đầu, ban sơ, nguyện vọng hăng hái muốn tiến lên. Tôi cảm nhận
và dịch ý như vậy. Còn theo tôi, câu này bản dịch nghĩa trên rất vu vơ, còn bản
dịch thơ (bên dưới) có vẻ cũng trật, không sát. Còn câu dưới cả dịch nghĩa dịch
thơ càng trật lất nữa. Trên là hào 3 của quẻ hàm, thì dưới phải là hào 2 của
quẻ tốn, để đối lại. “tín thủ” đối với “tráng tâm” thì dễ hiểu rồi, đó chính là
“bàn tay tin cậy”, “giao đề” đối với “sơ cảm” hiểu là “vươn xa nâng đỡ”. Còn “tốn
nhị quyền”, tôi thiên về suy nghĩ “sự quyền biến” của hào thứ 2 quẻ tốn. Nếu ai
biết về bốc dịch sẽ biết, khi gieo quẻ, chí dương sẽ thành âm, chí âm biến
thành dương. Nếu hào này biến thì quẻ tốn sẽ biến thành quẻ “phong sơn tiệm”,
hào này gợi lên ý nghĩa công việc chủ trương được thuận lợi, ung dung dễ dàng.
Hiểu như vậy rõ ý hơn với quẻ tốn thông thường.
Vậy hai câu này dịch nghĩa là Tình cảm ý chí ban đầu, hùng tâm tráng khí hăng
hái tiến lên, Bàn tay tin cậy ung dung dễ dàng vươn ra xa nâng đỡ. Nội hàm
phức tạp như vậy dịch thơ ra tiếng Việt sẽ cực khó, mấy chữ “hàm tam cổ” và “tốn
nhị quyền” có khi giữ nguyên rồi chú thích thêm. Như bải thơ “cảm hoài” của
Đặng Dung có câu: “Thời lai đồ điếu thành công dị”, dịch vẫn phải dịch là “Gặp
thời đồ điếu thừa lên việc” rồi giải thích thêm “đồ” với “điếu” chứ có dịch
được cả đâu.
Hai câu
luận: Từ
“hải đông”, không thuận so với cách ghép từ thường thấy “đông hải”, có lẽ phải
đảo để đảm bảo bằng trắc, nhưng không quan trọng lắm, vẫn hiểu là “miền biển
phía đông”, không vẫn đề, đối với câu trên “thần bắc”, chữ “thần” này có nét
nghĩa chỉ “mặt trời, mặt trăng và các sao”, ở đây nên hiểu là “vùng trời phía
bắc”. “Khu” hiểu là cái then, “cơ” là cái nẫy, “khu cơ” hiểu là “then chốt”
(danh từ), hàm ý là “phong tỏa, ngăn chặn”, đối với bên dưới là “phong toại”,
hiểu là “củi lửa” hàm ý dấu hiện chiến tranh. Chữ “lang yên” thì dễ hiểu rồi,
đối với “hổ lữ” phía trên cũng không vấn đề gì, (“lữ” trong từ “lữ đoàn”, hiểu
là “toán quân”). Toán quân này phải hiểu là toán quan của phía mình, chứ không
phải toán quân tàu như lâu nay vẫn hiểu. Từ “thần” và “hổ” đều là những từ có ý
nghĩa tích cực, tôn trọng, không thể nào dùng chỉ quân giặc được. Còn chữ “tức”
ở câu này hiểu là “tắt”, “tàn” (tính từ) để dễ đối với “sâm” câu trên, hiểu là “đông
đảo”. Vậy 2 câu này sẽ hiểu là: Chốt chặn
phía trời bắc - toán quân (mạnh như) hổ, đông đảo. Binh lửa biển đông – khói chiến
tranh đã tàn.
Hai câu kết không có vấn đề gì lớn,
tuy nhiên 1 ông tên Vũ Anh Tuấn có nghiên cứu và nêu ý kiến “Thiên Nam vạn cổ
hà sơn tại/Chính thị tu văn yển vũ niên. Hai câu này khi dịch, phải chú ý chữ
Thiên Nam. Thiên Nam là biệt hiệu của đức vua Lê Thánh Tông. Ngài có biệt hiệu
là Thiên Nam. Đó là danh từ riêng phải giữ nguyên. Nhiều người dịch “trời Nam”
là không đúng. Lê Thánh Tông viết bài thơ này lúc đó mới 26 tuổi. Ngài ngầm
khẳng định, giang sơn này là của triều đình, Thiên Nam được giao quản lý để núi
sông này mãi còn”. Biệt hiệu này thì tôi tìm hiểu quả là vua Lê Thánh Tông có
lấy hiệu “Thiên Nam Động chủ”. Thậm chí có trang còn ghi rõ bài thơ này tiêu đề
là "Ngự chế Thiên Nam động chủ đề”, nên việc giải nghĩa này của ông Vũ Anh
Tuấn cũng có lý và thuyết phục, nếu không thì chỗ này để “nam thiên” thuận theo
cú pháp Hán Văn hơn.
Tôi dịch nghĩa lại theo cảm nhận của mình:
Đầm lớn, biển mênh mông,
trăm dòng sông chầu về
Núi non la liệt bày như
quân cờ, vách đá thông lên trời.
Lòng mạnh mẽ khởi lên từ lúc ban đầu hăng hái tiến lên (như hào thứ 3 của quẻ hàm)
Tay tự tin đưa ra xa nâng đỡ ung dung (như hào thứ hai của quẻ tốn biến sang quẻ Phong Sơn Tiệm)
Chốt chặn phía trời bắc -
toán quân (mạnh như) hổ, đông đảo.
Binh lửa biển đông – khói
chiến tranh đã tàn.
Non nước Thiên Nam muôn đời còn đó
Chính là năm sửa sang lại văn, thu xếp lại võ.
Tôi miễn cưỡng dịch ra thơ như sau:
Đầm to biển lớn trăm dòng khơi,
La liệt cờ non vách trọc trời.
Hùng tráng lòng nhen hăng hái tiến,
Tự tin tay đỡ ung dung vời.
Bắc trời quân hổ then cài chặn,
Đông bể khói lang lửa tắt hơi.
Non nước Thiên Nam còn mãi đó,
Sửa văn dọn võ đúng đây thời.
Bản dịch thơ của ông Vũ Anh Tuấn như sau:
Trăm dòng triều cuộn biển
mênh mông
Thế núi xanh trời bát ngát trong
Chợt nghĩ lòng trai nao nghiệp lớn
Quyền xa, vững mạnh thuận tâm đồng
Quần hùng, xoay chuyển quanh Thần Bắc
Khói lặng, yên hàn chốn Hải Đông
Non nước Thiên Nam còn mãi đó
Chính thời tinh dựng võ non sông.
Tôi thấy bài thơ dịch như trên để ngâm chơi thì
cũng được, cũng mượt đó, nhưng đăng đối trong bản thân bài thơ đã không đảm bảo,
so với ý nghĩa nguyên bản còn trật lất hơn, kể cả những câu đã rõ nghĩa lẫn
những câu có lẽ hiểu sai. Trên trang thi viện có nhiều bản dịch khác, mỗi bài
một nét hay riêng nhưng tôi vẫn không tán đồng 100%.
Nhưng bảo tôi dịch thì tôi cũng không dịch thơ
được, quá khó. Tôi rất muốn tìm đọc bài thơ của chúa Trịnh Cương khắc lên núi
năm 1729, vì bài này họa lại bài của vua Trần Thánh Tông, có lẽ thông qua đó sẽ
sáng tỏ được nhiều điều để hiểu rõ hơn, nhưng tìm mãi không ra.
Mấy chỗ tôi tham khảo có link như sau:
https://vi.wikipedia.org/wiki/N%C3%BAi_B%C3%A0i_Th%C6%A1
http://cohoc.net/trach-son-ham-kid-31.html
http://cohoc.net/thuan-ton-kid-57.html
http://cohoc.net/phong-son-tiem-kid-53.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét