Về một bài thơ Đường Đăng Quán Tước Lâu 登鸛雀樓

登鸛雀樓                    登鹳雀楼                    Dēng guàn què lóu

白日依山盡,            白日依山尽,            Bái rì yī shān jǐn,

黃河入海流。            黄河入海流。            Huánghé rù hǎiliú.

欲窮千里目,            欲穷千里目,            Yù qióng qiānlǐ mù,

更上一層樓。            更上一层楼。            Gèng shàng yī céng lóu.



Vương Chi Hoán 王之渙 (688-742) tự Lý Lăng 季淩


Lên lầu Đồng Tước

Trời xế gác núi lặn,
Hoàng Hà nhập biển sâu.
Muốn nhìn xa ngàn dặm,
Lên nữa một tầng lầu.


On the Stork Tower
The mountains eclipse the setting sun,
While seawards the Yellow River runs;
To widen your view to hundreds of miles,
Come to the upper storey by climbing one more flight.




Nội dung nào được gửi gắm trong "Đăng Đồng Tước Lâu"?

Tôi nghe bài thơ này nhiều lần, cũng từ rất lâu không nhớ rõ, có lẽ là đọc từ trong cuốn thơ Đường nho nhỏ mà hồi còn học cấp 2 có mua, hoặc trước đó nữa là xem một bộ phim gọi là "Hòa thượng Thiếu Lâm Tự" có nhân vận trong đó ngâm. Dù không nhớ rõ ấn tượng ban đầu ấy, hồi đó hẳn nhiên tôi cũng không hiểu những ý tứ sâu sa trong bài thơ, chỉ hình dung ra một sự miêu tả cảnh sắc và người ngắm cảnh, nhưng tôi đã rất thích thú với bài thơ này.

Sau này tôi phát hiện, Hồ Chủ Tịch có lấy tứ trong bài này để viết bài "Nghe bạn tù thổi sáo" - "Nạn hữu xuy địch"
"Thiên lí quan hà vô hạn cảm
Khuê nhân cánh thượng nhất tằng lâu"
(Muôn dặm quan hà khôn xiết nỗi
Lên lầu ai có ngóng trông nhau)

Bằng những trải nghiệm của bản thân trong suốt những năm tháng bôn ba, chia ly, cùng với sự gợi mở bằng 2 chữ thêm vào của Hồ Chủ Tịch "khuê nhân" tạo nên câu dịch "Người chốn phòng khuê lại bước lên một tầng lầu." Tôi mới sáng tỏ và thấm thía hơn bao giờ hết những ý tứ trong bài thơ.

Thủ pháp lấy cảnh để gợi mở tình vốn thường thấy trong thơ Đường nói riêng và thơ ca nói chung, vì cảnh và tình có quan hệ chặt chẽ, cảnh sắc tác động đến tâm trạng con người, người ta có thể thấy cảnh mà buồn:
"Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
Yên ba giang thượng sử nhân sầu."
日暮鄉關何處是,/日暮乡关何处是,
煙波江上使人愁。/烟波江上使人愁。
Hoàng hôn về đó quê đâu tá?
Khói sóng trên sông não dạ người.

Rồi đến Huy Cận "không khói hoàng hôn bỗng nhớ nhà". Nhưng trong tâm trạng con người cũng chi phối sự tập chung, chú ý, cách nhìn nhận đánh giá cảnh vật, "Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu, người buồn cảnh có vui đâu bao giờ."

Tôi thiết nghĩ, "cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu", cảnh vật có nhiều chi tiết, ngoài sầu hẳn phải có cái vui. Một buổi chiều như thế, sao lại chẳng có những cảnh vui, như là đàn trâu no cỏ, thong thả khoan khoái theo bóng chiều về chuồng, tiếng sáo của mục đồng véo von ngân nga giữa cánh đồng trù phú yên ả. Hay một ông ngư phủ thong dong gác mái chèo, lên bến, trở về nhà sau một ngày đi câu, bắt cá, sum vầy cùng vợ con bên mâm cơm ấm cúng.
"Mục đồng địch lý quy ngưu tận,
Bạch lộ song song phi há điền."
牧童笛裡歸牛盡,/牧童笛裡歸牛盡,
白鷺雙雙飛下田。/白鷺雙雙飛下田。
Hay: 
Gác mái ngư ông về viễn phố
Gõ sừng mục tử lại cô thôn

Bao nhiêu cảnh tình sum họp, gắn kết, vui tươi như vậy, sao tác giả không chú ý đến mà đưa vào thơ, lại lựa chọn mở đầu bài thơ bằng những hình ảnh đẫm buồn chia li đến thế. Trời chiều đáng lẽ phải đỏ rực, tôi cứ thắc mắc tại sao lại dùng chữ "bạch nhật", nói đến chữ "bạch" tôi hình dung ra con người ở tuổi xế chiều, với mái tóc bạc phơ già nua. Vầng mặt trời chiều như người già đã đến lúc cùng tận của cuộc đời, dựa vào núi mà tắt nắng, như dáng vẻ mẹt mỏi cần tìm chỗ dựa, chỗ để nằm xuống xuôi tay nhắm mắt, có lẽ tôi hơi suy diễn đến một sự chia li vĩnh viễn, nhưng hiển nhiên, mặt trời mọc rồi lặn là chu kỳ tự nhiên, ngày mai vẫn còn bình minh, lại là một khởi đầu mới đầy hứa hẹn, nhưng vừa gượng an ủi được như thế, thì hình ảnh "Hoàng hà nhập biển sâu" lại một lần nữa hằn thêm ấn tượng về một sự chia li không mong ngày về.
"Nước non nặng một nhời thề 
Nước đi đi mãi không về cùng non"
Dù lớn lao, hùng vĩ như Hoàng Hà, nơi thượng nguồn cuồn cuộn ghềnh thác, sóng lớn luồng to,  thì cũng có những giây phút cùng tận, chậm chạp hòa nhập vào biển sâu thăm thẳm nói lời giã từ với nguồn cội, sự chi li này làm sao sum họp lại được.

"Muốn nhìn xa muôn dặm, lên nữa một tầng lầu" đâu có phải nói về người đi ngắm cảnh, lên thêm một tầng cho cao để thấy xa hơn, mở rộng tầm mắt hơn, đó là hình ảnh người ta chia lìa nhau, người ở lại còn lưu luyến không thôi, cứ từ từ, từ từ leo lên cao để nhìn nhau. Điều đau khổ nhất là số tầng lầu có cao mấy cũng là hữu hạn, rồi một lúc nào đó, người ta cũng leo đến tầng chót, phải dừng lại, và người đi rồi cũng xa khuất không còn trông thấy nữa:
Cô phàm viễn ảnh bích không tận,
Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu.
孤帆遠影碧空盡,/孤帆远影碧空尽,
惟見長江天際流。/惟见长江天际流。

Còn gì đau khổ hơn khi biết trước kết cục không thể thay đổi, nhưng người ta vẫn phải gắng gượng chờ đợi cho đến kết cục ấy. Tôi lại nhớ ngày bé, khi bố mẹ xa nhà đi làm, trên chiếc thuyền đánh cá, chạy theo dòng sông quê nhà ra biến, mỗi lần đi, mấy anh chị em đều bịm rịm tiễn đưa, đứng dưới bến nước nhìn khuất, lại chạy lên cầu nhìn đến khi khuất hẳn mới lưu luyến quay về. Ai đã tường chia li, hẳn thấm thía những tâm trạng xót xa như vậy.

Bởi vậy, cả bài thơ mở đầu là những hình ảnh thiên nhiên dưới con mắt nhìn sầu thảm của người chia ly, và kết thúc bằng 1 nỗi đau, một bi kịch báo trước nhưng không có cách nào thay đổi được chỉ biết âm thầm ngậm ngùi nếm trải lấy.

Tp. HCM 17/5/2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến