GIỐNG CỦA TỪ TRONG TIẾNG VIỆT


GIỐNG CỦA TỪ TRONG TIẾNG VIỆT

I. TRONG TIẾNG VIỆT CÓ 4 GIỐNG
Nam tính, nữ tính, trung tính và vô tính.
Từ trung tính là từ dùng được chung cho cả giống đực và giống cái (giáo viên có thể là thầy giáo hoặc cô giáo, tổ tiên chỉ cả nam và nữ, chúng tôi, chúng ta là từ nhân xưng cho cả 2 giới, “quê” có thể là “quê cha” hay “quê mẹ”…); Vô tính là từ không mang giới tính nào (Bàn, ghế, mây, núi…)


II. GIỐNG CỦA TỪ BIỂU HIỆN Ở NHIỀU KHÍA CẠNH
II.1. Có thể rất rõ ràng ở hình thức, ý nghĩa nó biểu thị:
Đối với loại này, với mỗi 1 từ chỉ giống đực, thường có 1 từ tương ứng chỉ giống cái
Ông, bố, anh, thầy,…. Rõ ràng mang giống đực
Bà, mẹ, chị, cô, …. Rõ ràng mang giống cái


II.2. Có thể thể hiện qua thiên hướng ý nghĩa (Không biểu hiện rõ là giống nào nhưng ý nghĩa nghiêng về 1 giống trong thói quen sử dụng):
Đối với loại này, từ gốc thường chỉ 1 giống và làm cơ sở để tạo thành từ tương ứng chỉ giống kia.
Từ “tướng”, “giặc”, “tội phạm” không rõ ràng chỉ nam hay nữ nhưng thường được mặc định cho giống nam, nếu muốn chỉ giống nữ, phải thêm các từ phụ để làm rõ: “Nữ tướng” chứ không ai cần nói “Nam tướng”, “Giặc cái” chứ không ai cần nói “giặc đực”, “nữ tội phạm” chứ không ai cần nói “nam tội phạm” Từ “lão già” thường được mặc định chỉ đàn ông, để nói người già là phụ nữ thì nói “bà lão”. “Lợn giống” dùng chỉ lợn đực, nói lợn cái để làm giống thì dùng từ “Lợn sề, lợn nái”. Từ “xinh” mang nữ tính, muốn nói bé trai ưa nhìn, người ta dùng “xinh trai”. Từ “đĩ” được dùng chỉ người đàn bà làm nghề mại dâm hoặc có tính lẳng lơ, để chỉ đàn ông người ta dùng từ “đĩ đực”. Từ “dương” chỉ mang hàm ý giống đực, nam tính; “thuốc bổ dương” là thuốc bồi bổ sinh lực cho đàn ông, “mày râu” mang nam tính, chỉ giới đàn ông nói chung …

II.3. Không biểu hiện qua bản thân từ, mà biểu hiện qua sự hài hòa của trong quan hệ với các từ phụ khác đi kèm hay các thành phần khác trong câu.
Mặt trời, trăng không thể hiện giống, nhưng các từ đi kèm lại mang giống đực: Ông mặt trời, ông trăng chứ không ai nói “bà mặt trời” và “bà trăng”
“Đất” được dùng với ý nghĩa “quê hương” là từ mang giống cái, vì người ta chỉ nói “đất mẹ” chứ không ai nói “đất cha”.
“Đường” thường vô tính nhưng có thiên hướng nữ tính, khi chỉ con đường chính, chủ yếu, người ta nói “con đường cái” chứ không nói “con đường bố” hay “con đường đực” (lưu ý “cái” ở đây có ý nghĩa xưa, tức là “mẹ”).


III. GIỐNG CỦA MỘT TỪ KHÔNG PHẢI LÚC NÀO CŨNG CỐ ĐỊNH
III.1. Khác nhau theo ngữ nghĩa
Một từ có nhiều nghĩa, với mỗi ngữ nghĩa, nó có giống khác nhau. Chẳng hạn như từ “đất” được nêu ở trên, “đất” dùng với hàm ý một chất liệu, vật thể thì vô tính nhưng “đất” dùng với hàm ý quê hường thì mang nữ tính (đất mẹ) hoặc trung tính (đất tổ). Từ “thị” dùng làm đại từ nhân xưng chỉ ngôi 3 thì mang nữ tính (tương đương với từ “y” chỉ cho nam), nhưng mang ý chỉ 1 loại trái cây thì vô tính (Trong truyện Tấm Cám, bà lão bán nước nói: “Thị ơi thị! Thị rụng bị bà…)

III.2. Khác nhau theo ngữ cảnh
Một từ được dùng trong bối cảnh cụ thể khác nhau (tuy cùng 1 nghĩa) nhưng mang giống khác nhau
Từ “con”, tổng quát là vô tính, nhưng “con nhỏ”, “con bé” thì mang giống cái, dù “nhỏ” và “bé” bản thân không mang giống. “Gà”, “mèo”  thì trung tính, “dao”, “xe” thì vô tính, việc thêm vào thành “con gà”, “con mèo”, “con dao”, “con đường” không làm thay đổi tính chất của chúng. “con gà”, “con mèo” vẫn vô tính, “con dao”, “con xe” vẫn vô tính.
Từ “lão” cùng có nghĩa là già thì trong từ “lão nông” mang nam tính, “lão niên” là vô tính.

III.3. Khác nhau theo thời gian, lịch sử, sự thay đổi của điều kiện xã hội.
Sự biến đổi ở khía cạnh này, nhìn chung có thể là bất kỳ từ giống nọ sang giống kia… Tuy nhiên, trong tiếng việt, phổ biến nhất là hiện tương một từ nam tính trở lên trung tính, trước đây chỉ dùng chon am thì nay được dùng rộng rãi cho cả 2 giới. Nguyên nhân chủ yếu là xu thế bình đẳng nam nữ và vị thế người phụ nữ ngày càng được cải thiện.
Trước đây: Từ “sinh” trước đây chỉ người nam đi học, sau này, nam nữ được học hành bình đẳng, “sinh” trở thành trung tính nên để thể hiện giống, người ta phải nói “nam sinh”, “nữ sinh”. Từ “anh hùng” trước đây chỉ dùng cho giống đực và muốn nói “phụ nữ tài ba” thì dùng từ “anh thư”, ngày nay từ “anh hùng” được dùng rộng rãi cho cả hai giới. Cậu (tớ) là từ chỉ chuyên xưng hô cho con trai, ngày nay có thể dùng rộng rãi cho cả hai giới nên nó trung tính. Từ “bố” trước đây chỉ dùng cho người đàn ông thì ngày nay, khi hôn nhân đồng giới ngày càng được chấp nhận, “bố” có thể dùng người cho cả người phụ nữ đóng vai trò “đàn ông”, dẫn đến nó sẽ dần bị “trung tính hóa”.

III.4. Khác nhau ở vùng miền, tiếng địa phương
Từ “hắn” ở miền Bắc thường chỉ Nam giới, trong khi ở miền trung, được dùng làm ngôi thứ 3 cho cả 2 giới.

III.5. Khác nhau do dụng ý sử dụng
Từ “thím” trước nay chỉ dùng chỉ người họ hàng là vợ của em bố. Nhưng nay được giới trẻ dùng với ý nghĩa bông đùa cho cả đàn ông.
Từ “trăng” như trình bày ở trên, chủ yếu được xem là mang giống được, nhưng trong nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật, được tác giả xem như giống cái để làm nổi bật tính nữ. Chẳng hạn, trước đây có bài hát “ông trăng xuống chơi”, gần đây có người sáng tác bài “nàng trăng của ta”. Hàn Mặc Tử trong bài “rượt trăng” có viết: “Ta đuổi theo trăng/ Trăng bay lả tả trên cành vàng/ Tới đây là nơi tôi được gặp nàng”.



IV. Lựa chọn và ưu tiên giống trong sử dụng
Khi cần lấy đại diện chung cho cả hai giống, thường chọn trung tính, nhưng có khi giống đực được ưu tiên. Chẳng hạn, trong bài “hịch xuất quân” của Quang Trung, có câu “Đánh cho sử tri Nam Quốc anh hùng chi hữu chủ”, đã dùng 1 từ chỉ giống đực “anh hùng” thay vì “anh thư”.
Giống đực thường được ưu tiên đứng trước giống cái: Người ta nói “kính thưa quý ông quý bà”, “thanh niên nam nữ”, “anh chị”, “cha mẹ”,…
Khi chỉ các ý niệm mang thuộc tính giống đực như mạnh mẽ dữ dội thường ưu tiên chọn nam tính, ý niệm mang thuộc tính giống cái dịu dàng, nhu mì, sự sinh sản thường chọn nữ tính. Chẳng hạn khi có lấy ở trên, “Mặt trăng” có khi goi là “ông trăng”, có khi là “nàng trăng”. Một ví dụ khác là trong bài hát “hòn đá cô đơn” rất phổ biến trong giới học sinh sinh viên có câu “Có chị gió bay ngang qua”. Người ta nói “đường cái”, “máy cái” chứ không nói “đường đực”, “máy đực” vì “đường cái” mới đẻ ra đường con, “máy cái” là máy phục vụ chế tạo ra các máy móc sản xuất.
Giống của từ được hình thành và lựa chọn do sự phổ biến trong thực tế, tập quán sử dụng. Ví dụ từ “tướng”, “giặc  đã nêu ở trên, sự hình thành giống của từ do “tướng” và “giặc” phổ biến là nam giới nên hình thành nên thiên hướng nam tính cho chúng.
Khi chỉ các ý niệm tốt đẹp, cao cả thường là giống đực, các ý niệm xấu, đôi khi mang hàm ý chê bai, lăng mạ thường là giống cái. Chẳng hạn trong chuyện dân gian hay cổ tích Việt Nam thường là “ông bụt”, “ông tiên”, “mụ yêu tinh”, “mụ phù thủy”; người ta thường chửi “địt mẹ”, “đồ chó cái”, “đụ má”, “chết mẹ mày đi” hơn là chọn giống đực.
Trường hợp chưa rõ giống, không xác định được giống, không muốn đề cập đến giống thường dùng trung tính. Chẳng hạn khi cần gọi người, người ta hay gọi “bác A, B, C ơi!” tránh chọn gọi “chú ơi!”  hay “cô ơi!”. Chẳng hạn nói “Một nạn nhân đã tử nạn”, “Cảnh sát đang truy lùng tên cướp”,…
Trường hợp cuối cùng, việc lựa chọn và sử dụng giống đôi khi theo dụng ý riêng của người sử dụng. Ví dụ như “ông trăng”, “nàng trăng”, “thím” đã nêu ở trên.


V. Ý nghĩa của giống trong tiếng Việt
Ngôn ngữ phản ánh tiến trình lịch sử, văn hóa, xã hội,… Sự vận động của ngôn ngữ thể hiện sự vận động của văn hóa xã hội, tâm lý nhận thức của con người. Giống của từ, với tư cách một thuộc tính của ngôn ngữ cũng là yếu tố phản ánh các phương diện ấy. Chẳng hạn Việt Nam, cũng như ngôn ngữ của nhiều đất nước, dân tộc Á Đông khác, từng suốt thời kỳ dài trong lịch sử có tâm lý trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Nhưng nam nữ ngày càng bình đẳng, vị thế, vai trò của người phụ nữ ngày càng được nâng cao trong xã hội. Những điều này có thể được phản ánh rất rõ ràng qua thuộc tính giống của từ trong tiếng Việt, cũng như sự biến đổi giống theo thời gian, sự ưu tiên lựa chọn và sử dụng giống như đã trình bày ở trên.
Thuộc tính giống của từ ngữ, phản ánh sự đa dạng phong phú, cái hay, cái đẹp trong ngôn ngữ từ nguồn gốc và thực tiễn sử dụng. Tại sao lại là “gà trống (gà sống)” và “gà mái” rồi “quyết 1 trận sống mái”, chứ không phải “gà đực”, “gà cái”, và “quyết 1 trận đực cái”. Vì “trống-mái” là từ phân biệt giống cho các loài gia cầm, chim. Ở gia cầm thường có hiệu tượng con đực đánh, chọi nhau. Dù ở gia súc như trâu cũng có trọi, nhưng việc chăn nuôi gia cầm phổ biến hơn, chọi nhau ở gia cầm thường thấy hơn, nên dẫn đến nói “quyết 1 trận sống mái”. Tại sao, cùng là các con vật nuôi phổ biến, nhưng chó mèo chỉ có đực cái, trâu thì có trâu cái, trâu nái, lợn có lợn nái, lợn sề chứ không có lợn cái. Tại sao lại là “cái rựa”, “đực rựa”, nhưng không có “đực dao”,… Những trường hợp cụ thể như vậy cần những lí giải riêng và tỉ mỉ, tuy nhiên có thể thấy rằng, như đã nói ở trên, sự phát sinh, lựa chọn và sử dụng từ gắn với những thuộc tính từ vựng về giống khác nhau thể hiện sự đa dạng phong phú và cái hay cái đẹp của ngôn ngữ.
Hiểu biết về giống giúp ích cho việc bảo tồn sự trong sáng của tiếng Việt, thực hành ngôn ngữ được đúng đắn, chuẩn xác trong nói, viết và cả nghe hiểu. Chẳng hạn, nếu không rõ “y”, mang giống được, viết về một nữ tội phạm lại dùng “y” thay vì dùng “thị” sẽ mắc phải một lỗi hết sức kỳ cục. Đây là một lỗi từng có trường hợp mắc phải trên các phương tiện báo đài, cũng dễ hiểu vì tội phạm là nam giới có vẻ phổ biến hơn, dẫn đến việc dùng “y” thường thấy hơn nên gây ra sự hiểu lầm. Hay chẳng hạn, ngày trước, nói “người phụ nữ anh hùng” thì rất kỳ cục, nhưng ngày nay nói như vậy là bình thường, chấp nhận được.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến